1. Chức năng:
Ban Quản lý Vườn có chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng, phát huy các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan; tổ chức nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; giáo dục môi trường; phát triển dịch vụ du lịch sinh thái; cung ứng dịch vụ môi trường rừng theo quy định của pháp luật.
- Trụ sở: Thôn Nà Niểm, Xã Ba Bể, Tỉnh Thái Nguyên
- Ban Quản lý Vườn có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng để giao dịch theo quy định của pháp luật.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn:
2.1. Thực hiện quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng bền vững theo Quy chế quản lý rừng, quy định của Luật Lâm nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan. Phối hợp với các đơn vị giáp ranh, các cơ quan chức năng trên địa bàn xây dựng, thực hiện quy chế phối hợp, chương trình, kế hoạch về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng; tổ chức đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, bảo đảm chấp hành pháp luật về Lâm nghiệp thuộc phạm vi được giao quản lý.
2.2. Thực hiện quy định về theo dõi diễn biến rừng, nắm vững hiện trạng diện tích các loại rừng, đất chưa có rừng; biến động diện tích các loại rừng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
2.3. Lập và thực hiện phương án phòng cháy và chữa cháy rừng, chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thực hiện các biện pháp phòng, trừ sinh vật gây hại rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp và các quy định khác có liên quan.
2.4. Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện phương án quản lý rừng bền vững đã được phê duyệt; xây dựng và thực hiện đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Vườn Quốc gia Ba Bể.
2.5. Bảo vệ, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh trong Vườn Quốc gia Ba Bể.
2.6. Tổ chức nghiên cứu khoa học và bảo tồn thiên nhiên
a) Bảo tồn đa dạng sinh học theo quy định của Luật Đa dạng sinh học; bảo vệ hệ sinh thái trên cạn, dưới nước: Bảo vệ các loài động vât, thực vật, lập danh mục quản lý, bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; áp dụng các biện pháp lâm sinh để phát triển rừng; tổ chức cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài sinh vật quý hiếm.
b) Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch, đề tài nghiên cứu khoa học, thực tập, hợp tác quốc tế theo quy chế quản lý rừng và quy định pháp luật hiện hành có liên quan.
2.7. Giáo dục môi trường và phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí
a) Tổ chức các hoạt động giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các giá trị và tầm quan trọng của hệ sinh thái tự nhiên khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể.
b) Tổ chức quản lý, giám sát, đánh giá, thực hiện các hoạt động phát triển du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Vườn Quốc gia Ba Bể theo quy định.
2.8. Thực hiện cung ứng dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ môi trường tự nhiên theo quy định của pháp luật.
2.9. Thực hiện chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng theo quy định của Luật Lâm nghiệp; được hướng dẫn về kỹ thuật và hỗ trợ khác theo quy định để bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học rừng; được hưởng lợi từ công trình hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng do Nhà nước đầu tư theo quy định.
2.10. Xây dựng chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng đệm; tổ chức thực hiện chương trình, dự án đầu tư vùng đệm có sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương; phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, lập kế hoạch quản lý đối với diện tích đất sản xuất xen kẽ trong rừng đặc dụng trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Khoán bảo vệ và phát triển rừng với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư để bảo vệ và phát triển rừng.
2.11. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng; thực hiện các hoạt động quảng bá, giới thiệu về du lịch.
2. 12. Xây dựng và triển khai chương trình bảo tồn, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước; kế hoạch quản lý khu Ramsar; quan trắc, đánh giá sự biến động đặc tính sinh thái của khu Ramsar.
2.13. Được huy động và tiếp cận các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước góp phần quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng theo quy định của pháp luật.
2.14. Quản lý tài sản, vật tư, kinh phí nhà nước được giao; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật.
2.15. Quản lý tổ chức, bộ máy, biên chế, vị trí việc làm, viên chức và người lao động; thực hiện các chế độ, chính sách; khen thưởng, kỷ luật; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức thuộc quyền quản lý theo quy định.
2.16. Xây dựng kế hoạch hàng năm và dài hạn để thực hiện nhiệm vụ được giao; tham gia xây dựng các quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và cấp có thẩm quyền.
2.17. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân tỉnh giao và theo quy định của pháp luật.